Theo báo cáo, Tổ chức Zhishan Foundation bắt đầu triển khai “Dự án phẫu thuật chỉnh hình miễn phí dành cho trẻ em nghèo” tại 3 tỉnh miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) từ năm 2001 đến năm 2018 địa bàn dự án mở rộng tại 6 tỉnh miền Trung. Các hoạt động tổng thể của dự án bao gồm: Tập huấn cho cán bộ cơ sở cách phát hiện trẻ em khuyết tật; Tổ chức khám sàng lọc; Hỗ trợ phẫu thuật, cấp phát sữa và tiền xe đi lại; Hỗ trợ tập PHCN và làm dụng cụ chỉnh hình sau phẫu thuật; Khám đánh giá kết quả phẫu thuật. Nhờ đó đã có 2850 cháu khuyết tật được hỗ trợ phẫu thuật với tổng kinh phí 11 tỷ 197 triệu đồng.
Tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những địa bàn được tiếp cận với dự án sớm và hiệu quả nhất. Từ năm 200, sau khi được tiếp nhận phê duyệt dự án, Thừa Thiên Huế đã nhanh chóng triển khai nhiều hoạt động phối hợp giữa các ngành, các cấp bao gồm nhiều hoạt động: triển khai tập huấn dự án cho cán bộ phường xã, chỉ đạo các địa phương tổ chức các đợt tuyên truyền tại các địa bàn dân cư, tuyên truyền trên các các phương tiện truyền thông đại chúng; Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã triển khai nhiều đợt khám sàng lọc trong năm tại các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để các gia đình trẻ được tham gia, đặc biệt tổ chức lồng ghép nhiều đoàn bác sỹ của các bệnh viện trên địa bàn tham gia khám sàng lọc các loại bệnh để tăng cường kiểm tra, rà soát, phát hiện trẻ em có nhu cầu phẫu thuật được phẫu thuật kịp thời. Phối hợp với văn phòng dự án và cán bộ địa phương đưa trẻ đến phẫu thuật đúng hẹn, theo dõi quá trình phẫu thuật của trẻ em...
Như vậy, sau 18 năm triển khai thực hiện dự án, sự chung tay phối hợp giữa Quỹ BTTE tỉnh, văn phòng dự án và các địa phương, sự hỗ trợ tận tâm của các Y bác sỹ trường Đại học Y Dược Huế, dự án phẫu thuậtchỉnh hình miễn phí cho trẻ em khuyết tật Zhishan Foundation đã đạt hiệu quả tích cực. Dự án đã phẫu thuật cho 900 trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh, với kinh phí trên 3,2 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Lao động-TB &XH các tỉnh đã đánh giá cao hiệu quả mà dự án mang lại cho trẻ em các tỉnh. Hiệu quả không chỉ dừng lại ở kết quả phẫu thuật mà nó mang lại cho các cháu một diện mạo mới, sắc thái mới, giúp cho các cháu đạt được một thân thể khỏe mạnh cùng với một tâm hồn khỏe mạnh, tự tin, hòa nhập cùng bạn bè trang lứa. Có thể nói dự án là một hoạt động đầy tính nhân văn đã giúp các em nhanh hồi phục sức khỏe, tự chăm sóc được bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và hòa nhập vào cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống gia đình và phát triển kinh tế- xã hội.
Mặc dù trẻ em khuyết tật đã đựơc chăm sóc phẫu thuật gần như hoàn toàn, tuy nhiên số khuyết tật còn lại ở nhiều dạng khác không có nhu cầu phẫu thuật, các địa phương cũng đề nghị dự án có thể chuyển sang hình thức hỗ trợ khác như hỗ trợ dạy nghề cho trẻ khuyết tật, dạy các kỹ năng cơ bản cho các em khuyết tật về trí tuệ, phục hồi và giáo dục hòa nhập cho trẻ bị chứng tự kỷ, giúp các em tự chăm sóc bản thân, tham gia vào các hoạt động xã hội và hoà nhập cộng đồng; hỗ trợ học bổng, đồ dùng học tập thường xuyên cho trẻ khuyết tật đang theo học tại các trường tiểu học, THCS; Quan tâm đến chương trình hỗ trợ sinh kế gia đình có trẻ khuyết tật, xoa dần khoảng cách giữa trẻ em khuyết tật và trẻ em khác, góp phần nâng cao chất lượng sống của trẻ khuyết tật.