Tìm kiếm tin tức
Thiệt hại nặng do lũ đặc biệt lớn và kéo dài trên địa bàn Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 16/10/2020
Nước sông Hương đoạn qua TP Huế dâng cao, ngập lên Đập Đá ngày 11/10.
58.000 ngôi nhà ngập sâu trong biển nước, người dân đi lại trên đường phải dùng ghe đò, tỉnh Thừa Thiên Huế đang huy động lực lượng triển khai nhiều biện pháp giúp người dân giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ.
 
Mưa lớn kéo dài trong những ngày qua, cùng với việc các hồ thủy lợi, thủy điện phải vận hành điều tiết nước làm cho nước các sông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế dâng cao khiến cho nhiều địa phương vùng trũng thấp bị ngập lụt. Tổng lượng mưa (từ 7h ngày 12/10 - 7h ngày 13/10) ở Thừa Thiên – Huế phổ biến 80 – 150mm, có nơi trên 200mm.
Theo báo cáo nhanh, tỉnh Thừa Thiên – Huế sơ tán gần 8.200 hộ với 25.000 khẩu, ngập trên 58.000 nhà dân và nhiều tuyến đường giao thông trên quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã… bị ách tắc, chia cắt ở nhiều địa phương và sạt lở, hư hỏng.
Do mực nước triều dâng cao, cộng với nước từ thượng nguồn đổ về nên toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có 286ha hoa màu bị thiệt hại, trên 2.000ha nuôi trồng thủy sản cao triều, hạ triều đều bị ngập hoàn toàn.
Triều cường cũng làm bờ biển tiếp tục bị sạt lở nặng với chiều dài hơn 10km. Đoạn bờ sông Hương qua xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà) bị sạt lở với chiều dài khoảng 100m có nguy cơ sạt lở tiếp. Tuyến đê Nho Lâm – Nghĩa Lộ (đoạn qua xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) bị sạt lở mái nhiều vị trí với chiều dài khoảng 300m.
Ghi nhận của PV cho thấy, tại bờ sông Tả Trạch đoạn qua xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã xuất hiện sạt lở khiến cho hoa màu, nhà cửa bị đe dọa “Bờ sông sạt lở dài hơn 50m làm cho cây thanh trà 2 năm tuổi, các bụi chuối cuốn xuống sông và ngôi nhà của gia đình chỉ còn cách bờ sông khoảng 20m”, ông Lê Văn Thanh (trú xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho biết.
 
 
Sạt lở kéo dài khoảng 50m gần nhà ông Lê Văn Thanh.
 
“Mưa lớn kéo dài khiến nước sông Tả Trạch dâng cao nên sáng nay (12/10) tôi ra xem vườn phát hiện vài cây thanh trà biến mất, chỗ sạt lở xoáy sâu vào vườn hơn 10m”, bà Phan Thị Hiến (trú xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế) buồn bã nói.
 
 
Đất hoa màu của bà Phan Thị Hiến bị sạt lở sâu.
 
Ông Lê Văn Thức, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế) xác nhận trên địa bàn xã đã xảy sạt lở, chính quyền đã đến kiểm tra và ghi nhận tình trạng một số cây hoa màu bị nước lũ cuốn xuống sông.
Để đối phó với lũ lụt, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều biện pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Các lực lượng vũ trang được huy động chuẩn bị tàu thuyền, xe cao để ứng cứu người dân…
 
 
 
Lực lượng chức năng đi hỗ trợ nhu yếu phẩm cho những gia đình gặp khó khăn.
 
 
Lực lượng chức năng đi hỗ trợ nhu yếu phẩm cho những gia đình gặp khó khăn.
Tại cuộc họp trực tuyến với các sở, ban, ngành, địa phương về công tác ứng phó lũ lụt sáng nay (12/10), ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị các địa phương chủ động thông tin kịp thời, khuyến cáo, hướng dẫn người dân trong các hoạt động đi lại khi có mưa lũ. Đồng thời, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên ngập sâu, chảy xiết; hướng dẫn người dân chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế còn yêu cầu các địa phương, đơn vị bố trí lực lượng, phương tiện tại các địa bàn trọng điểm sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời hậu quả mưa lũ…
Một hình ảnh về tình hình ngập lụt nghiêm trọng ở Thừa Thiên – Huế:
 
 
Người dân đi lại trong khu vực Kinh thành Huế bằng ghe đò.
 
 
Nhà cửa ở xã Phú Mậu (huyện Phú Vang) bị ngập sâu hơn 1m
 
 
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân thị xã Hương Thủy.
 
 
Nhiều lồng cá trên sông Bồ bị hư hỏng do lũ lụt.
 
Theo Infornet.
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết
 
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 249.018
Đang truy cập 121